Ngày 08/6/2024 xã Vĩnh Long long trọng tổ chức buổi Toạ đàm kỷ niệm 25 năm được Nhà nước phong tặng Danh hiệu AHLLVTND (11/6/1999 - 11/6/2024) và phát động phong trào thi đua xây dựng xã đạt Nông thôn mới nâng cao.
Trong không khí hân hoan, phấn khởi hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống huyện Vĩnh Linh (25/8/1954-25/8/2024), 70 năm thành lập đặc khu Vĩnh Linh (16/6/1955-16/6/2025) được sự đồng ý của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng bộ, Nhân dân xã Vĩnh Long vui mừng tổ chức tọa đàm kỷ niệm 25 năm được phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử, khơi dậy truyền thống hào hùng của quê hương trong chiến đấu và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Về dự buổi Toạ đàm về đại biểu huyện có đồng chí: Trần Nhật Quang - Tỉnh uỷ viên - Bí thư Huyện uỷ huyện Vĩnh Linh; đồng chí Nguyễn Thị Hương - PBTTT Huyện uỷ - Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Thái Văn Thành - PBT huyện uỷ - Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Thanh Toàn - Ủy viên Ban thường vụ - Trưởng ban tổ chức huyện uỷ - Phụ trách Đảng bộ xã Vĩnh Long, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ huyện uỷ; Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND, Thường trực UBMTTQVN huyện, đại diện lãnh đạo các Ban đảng, Văn phòng huyện ủy, Văn phòng HĐND&UBND huyện; Phòng NN&PTNT huyện; Các đồng chí đại diện lãnh đạo BCH QS huyện, CA huyện; Trung tâm VH Thông tin & TDTT huyện Vĩnh Linh, phóng viên đài Truyền thanh về đưa tin. Có các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện; các đồng chí Trưởng, phó các phòng, ban, ngành của huyện Vĩnh Linh là con em quê hương Vĩnh Long anh hùng; Các đồng chí Đại biểu HĐND huyện đắc cử trên địa bàn xã; các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng uỷ, UBND thị trấn Hồ Xá, xã Vĩnh Chấp, xã Vĩnh Thái.
Về phía xã có: Đồng chí Nguyễn Thuỳ Dương - Huyện uỷ viên - Bí thư Đảng uỷ; đồng chí Võ Văn Đại - PBTTT Đảng uỷ - Chủ tịch HĐND xã; đồng chí Trần Quốc Lương - PBT Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã cùng các đồng chí trong BTV Đảng uỷ, TT HĐND, Lãnh đạo UBND, CT UBMTTQVN xã; nguyên lãnh đạo xã, các đồng chí trong BCH đảng bộ; các đồng chí CHT BCHQS xã, Trưởng Công an xã qua các thời kỳ, chiến sỹ khẩu đội 12,7 ly Gia Phúc; Trưởng, phó các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, đại diện Trạm y tế, công an, Ban điều hành 11 thôn; Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn; Quỹ TDND Hồ Xá; các công ty, doanh nghiệp, trong và ngoài địa phương; các doanh nghiệp là con em quê hương Vĩnh Long.
Đồng chí: Trần Nhật Quang - Tỉnh uỷ viên - Bí thư Huyện uỷ huyện Vĩnh Linh phát biểu tại buổi toạ đàm
Đồng chí: Nguyễn Thuỳ Dương - Huyện uỷ viên - Bí thư Đảng uỷ xã đọc diễn văn truyền thống
và phát động phong trào xây dựng NTM nâng cao.
Đồng chí: Trần Quốc Lương - PBT Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã đọc báo cáo và phát biểu
Vĩnh Long là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có Chi bộ Thượng Lập một trong ba Chi bộ đầu tiên của huyện Vĩnh Linh; nơi ghi dấu lịch sử trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với chiến thắng trận Chợ Hôm.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Long cùng với huyện Vĩnh Linh là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của Mỹ - ngụy. Từ năm 1965, máy bay địch đã đánh phá trên 850 lần trong đó trên 37 lần máy bay B52, ném hơn 1.000 tấn bom các loại, làm hư hỏng phần lớn nhà cửa của Nhân dân... Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, để bảo đảm an toàn cho nhân dân, quân và dân Vĩnh Long đã đào đắp trên 81 km giao thông hào, làm hơn 500 hầm rọ và hầm chữ A, hơn 4.500 hầm cá nhân và 06 hầm địa đạo.
Được Đảng bộ và Nhân dân quan tâm xây dựng, lực lượng dân quân du kích xã Vĩnh Long phát triển lớn mạnh không ngừng, đến cuối năm 1965 dân số của xã có khoảng 2.850 người, dân quân du kích đã có 750 người, (trong đó có 230 đồng chí là nữ), được tổ chức thành 3 trung đội; ngoài vũ khí thông thường như lựu đạn, súng trường K44, CKC, AK lực lượng vũ trang Vĩnh Long được trang bị biên chế 01 trung đội DKZ 75 ly với (03 khẩu đội), 01 trung đội súng cối 82 ly (03 khẩu đội), 01 Đại đội pháo cao xạ 37 ly (04 khẩu đội), 01 Đại đội 12,7 ly (03 trung đội, 09 khẩu đội); ngoài ra còn thành lập một phân đội vận tải đường trường sơn gồm 04 thuyền gỗ chèo tay. Lực lượng dân quân du kích đã tổ chức trực chiến ngày đêm ở những nơi máy bay địch thường xuyên bắn phá như Cầu Điện, Cầu Bảo Đài, Bến phà Phúc Lâm, Ga Sa Lung để đánh trả tiêu diệt địch bảo vệ làng xóm, đảm bảo giao thông vận tải được thông suốt. Nhiều lần trận địa bị bắn phá, các anh chị em vẫn bình tĩnh, dũng cảm đánh trả quyết liệt, đã bắn rơi 03 máy bay F4 và hiệp đồng với đơn vị bạn gồm Vĩnh Chấp, Vĩnh Thủy bắn rơi 6 chiếc khác, tham gia bắt sống giặc lái. Điển hình là trận đánh của khẩu đội 12,7 ly Gia Lâm ngày 26/11/1967 đã kiên cường chiến đấu và hy sinh tại trận địa 06 chiến sỷ, còn 01 chiến sỹ bị thương. Lực lượng dân quân phối hợp với Nhân dân đã trực tiếp cứu chữa vận chuyển trên 2.000 tấn lương thực bị bom Mỹ đánh trúng tại 05 kho lương thực thực phẩm trên địa bàn xã đảm bảo an toàn; Bến Phà Phúc Lâm, nơi đã trực tiếp vận chuyển hàng ngàn lượt cán bộ chiến sỹ, hàng trăm phương tiện vũ khí, trang thiết bị phục vụ cho chiến trường Miền nam.
Từ năm 1968 đến năm 1971, thực hiện khẩu hiệu "Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam", lực lượng dân quân du kích xã Vĩnh Long đã tổ chức Trung đội cối 82, trung đội bộ binh cơ động phối hợp với các đơn vị bạn ở Cồn tiên tiêu diệt 02 xe tăng địch, phối hợp với du kích xã Trung Giang, Gio Linh đánh vào đồn 31, Quán Ngang diệt 52 tên địch. Ngoài ra, lực lượng du kích xã tham gia chiến đấu ở phía nam sông Bến Hải đã tiêu diệt được 25 tên địch, bắn rơi 01 máy bay lên thẳng, thu 02 súng đại liên, 250 viên đạn, 04 quả mìn, đóng góp trên 24.000 ngày công vận chuyển vũ khí, lương thực, phục vụ chiến đấu, sửa đường bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường 571 đi qua địa phận xã; phá huỷ hơn 1.000 quả bom đạn các loại; vận động nhân dân ủng hộ cơ sở vật chất để làm hầm hào, lán trại, làm đường phục vụ bộ đội chiến đấu với phương châm “xe chưa qua nhà không tiếc”. Trong hơn 10 năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ - ngụy, quân và dân Vĩnh Long đã giúp đỡ và chăm sóc hơn 2.000 thương binh, chôn cất trên 3.500 liệt sỹ; có trên 950 dân quân du kích trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, gần 1.000 thanh niên lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc.
Toàn xã Vĩnh Long hiện có 58 bà mẹ đã được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; có 23 lão thành cách mạng; 374 liệt sỹ; có 89 thương, bệnh binh, nhiều người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; hơn 1.500 lượt người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân huy chương các loại. 33 người bị nhiễm chất độc da cam Đioxin; 160 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Với những đóng góp to lớn của mình trong sản xuất cũng như chiến đấu, Vĩnh Long đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: chỉ tính trong thời kỳ chống Mỹ, xã Vĩnh Long đã được tặng nhiều Huân chương các loại trong đó có 01 Huân chương quân công hạng ba, 01 Huân chương độc lập Hạng Nhì và 01 Huân chương độc lập hạng Ba, 02 Huân chương lao động hạng 3; Trận địa 12,7 ly, bến phà Phúc Lâm và Miếu bà Vương phi họ Lê được công nhận di tích lịch sử.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 11/6/1999 Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”
Sau 25 năm, Vĩnh Long đã từng bước hồi sinh sát cánh đi lên cùng toàn huyện, đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Vĩnh Long đang từng ngày khởi sắc đột phá với những thành tựu đáng trân trọng. Đặc biệt, sau gần 15 năm thực hiện xây dựng Nông thôn mới (giai đoạn 2011-2024) Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được những thành tựu khá toàn diện. Cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và sinh hoạt được đầu tư khá đồng bộ; bộ mặt nông thôn được đổi mới; đời sống nhân dân được nâng cao; Văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; QP -AN được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở được củng cố phát huy.
Đến nay Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng Nông lâm nghiệp từ 53,35% (2011) xuống 29% (2023); công nghiệp - xây dựng 18% (2011) tăng 27,1% (2023); ngành nghề, thương mại và dịch vụ từ 28,65% (2011) tăng 43,9% (2023). Tốc độ phát triển kinh tế giữ ổn định 10 - 11%/năm; Bình quân thu nhập đầu người đến cuối năm 2023 ước đạt 52,7 triệu đồng, tăng gấp 3,56 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,19%; tỷ lệ phát triển dân số 0,2%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng 4%.
Việc đầu tư phát triển kinh tế Nông - Lâm - Ngư nghiệp có hiệu quả, tạo mũi đột phá đã được chú trọng như: Cao su tiểu điền; rừng sản xuất; sắn nguyên liệu; chăn nuôi lợn, nuôi cá tập trung; cây ăn quả; trang trại tổng hợp… nâng hệ số sử dụng đất đạt từ 1,8 - 1,9 lần. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hằng năm 7-8%, đến năm 2023 đạt 97,3 tỷ đồng.
Sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và xây dựng giá trị tăng bình quân 8-9%/năm, đạt 91 tỷ đồng; Thương mại - dịch vụ phát triển vượt bậc, có giá trị thu nhập năm 2023 ước đạt 147 tỷ đồng, tăng bình quân 13,5%/năm. Tạo việc làm thường xuyên cho hơn 750 lao động.
Toàn xã có 5 HTXNN, với tổng nguồn vốn và tài sản hoạt động đạt gần 15 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân hàng năm đạt trên 520 triệu đồng. Trên địa bàn hiện có 10 doanh nghiệp đang hoạt động với nguồn vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 280 lao động.
Cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp với tổng giá trị đạt 200 tỷ đồng. Hệ thống giao thông được nhựa hóa và bê tông hóa đạt 95%; Hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư đạt trên 85%, diện tích đất NN được tưới tiêu chủ động đạt 100%.
Sự nghiệp giáo dục luôn được quan tâm và chú trọng, chất lượng giáo dục xã nhà nằm tốp đầu của huyện. Cơ sở vật chất trường học được đầu tư khang trang, khuôn viên thoáng mát, xanh sạch đẹp. Với tổng mức đầu tư trong 13 năm đạt trên 130 tỷ đồng. Hiện 02 trường đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đang tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn mức độ 02. Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm đẩy mạnh; hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng được phát huy, mở các lớp tập huấn, học nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, kỹ năng sống, bảo vệ sức khỏe, môi trường và pháp luật đời sống thu hút hơn 3.000 lượt người tham gia.
Hoạt động văn hóa thông tin, thể dục, thể thao đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ từ thôn đến xã với tổng mức trên 10 tỷ đồng. Toàn xã có 11 thôn, 02 đơn vị trường học giữ vững danh hiệu thôn, đơn vị văn hóa; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm trên 95%.
Công tác dân số gia đình và trẻ em có nhiều tiến bộ, mạng lưới y tế thôn hàng năm được củng cố, hoạt động có hiệu quả. Cơ sở vật chất, phương tiện khám chữa bệnh được đầu tư đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên: 0,2%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5%. Xã giữ vững đạt chuẩn quốc gia về Y tế theo bộ tiêu chí giai đoạn 2030.
Công tác chính sách xã hội, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, nhân đạo từ thiện, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thực hiện thường xuyên, chu đáo. Huy động nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết trên 02 tỷ đồng.
Lĩnh vực quốc phòng an ninh luôn được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được củng cố vững chắc, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác tuyển quân và đón thanh niên hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương gắn với thực hiện chính sách hậu phương quân đội.
Đảng bộ đoàn kết, thống nhất; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, xây dựng vững mạnh. Với những kết quả nêu trên, năm 2017 Vĩnh Long đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM, tạo tiền đề để xã tiếp tục phấn đấu xây dựng Nông thôn mới Nâng cao.
Mục tiêu then chốt của xây dựng nông thôn mới Nâng cao là để đời sống vật chất và tinh thần của người dân giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với đô thị. Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với đô thị hóa. Đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững; xã hội dân chủ, đoàn kết, văn minh, giàu bản sắc văn hóa. Đây cũng chính là mục tiêu mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định Xây dựng xã Vĩnh Long đạt chuẩn NTM Nâng cao vào năm 2025.
Tại buổi tọa đàm kỷ niệm 25 năm xã nhà được phong tặng danh hiệu AHLLVTND và phát động thi đua xây dựng xã đạt Nông thôn mới nâng cao Nhân dân và cán bộ xã Vĩnh Long cũng vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý Cờ thi đua và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng vì đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước năm 2023; UBND huyện Vĩnh Linh tặng Giấy khen cho tập thể UBND xã Vĩnh Long và 03 cá nhân đã có thành tích tốt trong phong trào thi đua.
Một số hình ảnh trong buổi toạ đàm